Mười Pháp Quán Tưởng

Hướng Dẫn Hành Thiền

(1) Quán Tưởng Vô Thường (Năm Uẩn)

     Trong bài kinh Girimānanda (AN 10.60), pháp quán tưởng đầu tiên trong 10 quán tưởng là về ngũ uẩn vô thường như sau:

     Và này Ānanda, thế nào là tưởng vô thường? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến ngôi rừng, hay đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường.” Như vậy vị ấy trú, quán vô thường trong năm thủ uẩn này. Này Ānanda, đây gọi là tưởng vô thường.

     Quán tưởng đầu tiên này liên quan đến năm uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành và thức – mà chúng ta có xu hướng bám thủ vào đó để tạo ra ảo tưởng về “tôi, bản ngã”.

     Như đã thảo luận ở trên, chúng ta có xu hướng bám thủ và thân thể (sắc) để xác định “nơi này là Tôi”, các cảm thọ (thọ) cho ta một cơ hội để bám vào “như thế này là Tôi”, nhận thức (tưởng) có thể trở thành đối tượng của chấp thủ vào “cái này là Tôi”. Các ý định tạo tác (hành) cung cấp nền móng để chấp thủ vào “tại sao Tôi là” để phản ứng theo một cách nào đó và ý thức (thức) cung cấp nền tảng để bám víu vào kinh nghiệm như là “bởi thế là Tôi”. Để chống lại sự chấp thủ đó, phương thuốc cần có là điều hướng chánh niệm về bản chất vô thường của mỗi một trong năm uẩn này và của cả năm uẩn kết hợp lại.

      Tôi đề nghị chúng ta bắt đầu thực hành bằng cách nhận biết thân thể ngay trong tư thế ngồi. Nhận thức toàn thân như thế có thể dùng như là một nền tảng hữu ích cho chánh niệm được liên tục trong suốt toàn bộ chương trình hành thiền được mô tả trong các hướng dẫn của bài kinh Girimānanda.

      Kế đó, hiểu biết về thân trong tư thế ngồi phải được kèm theo hiểu biết rằng thân này là vô thường. Thân xác này thay đổi liên tục vì các tế bào cấu tạo nên nó thay đổi trong từng giây khắc và cuối cùng rồi, thân này sẽ ngưng hoạt động và tan rã.

     Cách thức để biết thân thể ngay bây giờ đang ở trong tư thế ngồi bao gồm một hình thái tỉnh thức cảm nhận toàn thân, khả năng nhận biết vị trí của thân và biết rõ như vậy mà không cần phải mở mắt. Cách nhận biết thân như thế là biểu hiện của thọ uẩn. Nhận thức về khía cạnh này trong khi thiền quán về thân ở tư thế ngồi đưa đến tầm nhìn về uẩn thứ hai của năm uẩn. Ngay lúc đó, cần phải hiểu biết
thêm rằng các cảm thọ cũng thay đổi vì chúng vốn là vô thường.

      Hiểu biết về thân trong tư thế ngồi đòi hỏi khả năng của tâm trí nhận ra rằng đây là “thân, cơ thể” và nó đang ở trong “tư thế ngồi”. Đó là lĩnh vực của uẩn thứ ba, tưởng uẩn. Nhận thức phần này trong khi thiền quán về thân ở tư thế ngồi cần phải được đi kèm với hiểu biết rằng tưởng uẩn đó cũng có tính chất thay đổi.

     Quyết định chú tâm vào thân thể trong tư thế ngồi, cũng như nhiều lúc phân tâm, tâm có khuynh hướng đi lang thang nơi khác, lạc lối vào thế giới mộng mơ, là biểu hiện của các hành – hành uẩn. Các hành này cũng luôn thay đổi. Thật vậy, sự kiện phóng tâm là một bằng chứng rõ ràng rằng hành uẩn cũng là vô thường.

     Thức uẩn giúp chúng ta hiểu biết tất cả các phương thức trực nghiệm về thân trong khi ngồi hành thiền. Đây là uẩn cuối cùng của năm uẩn. Sự kiện hiểu biết các khía cạnh khác nhau có nghĩa là ngay cả thức uẩn cũng phải có tính thay đổi, vô thường. Nếu nó bất biến, nó sẽ mãi mãi chỉ biết được một khía cạnh.

     Theo cách này, chương trình thiền quán năm uẩn có thể được sử dụng để phân biệt năm khía cạnh khi ngồi hành thiền, tiếp theo là nhận thức được chúng như là các tiến trình, thay đổi liên tục, không có bất cứ cái gì cố định, bất biến để được tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Sau khi quán soi từng uẩn, hành giả có thể quán soi tập hợp cả năm uẩn như là một dòng chảy thay đổi liên tục. Nếu thực hành đúng
đắn, hành giả sẽ nhận thức được rõ ràng về mọi khía cạnh mà ta thường chấp thủ vào đó, cho là “Tôi”, thật ra chỉ là một tiến trình trôi chảy qua từng thời khắc.


Các chữ viết tắt:

AN Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ)
DN

MN
Dīgha Nikāya (Trường bộ)
Madhyama Āgama (Trung A-hàm)
Majjhima Nikāya (Trung bộ)
SN Saṃyutta Nikāya (Tương ưng bộ)

 

 

 

 

 

Tags: