Mười Pháp Quán Tưởng
Hướng Dẫn Hành Thiền
(2) Quán Sáu Căn Và Sáu Trần Là Vô Ngã
Quán ngũ uẩn vô thường cho đến cảm thấy là vừa đủ, hành giả tiếp tục hành thiền, chuyển qua quán vô ngã, trong ý nghĩa quán về bản chất rỗng không của mọi khía cạnh trải nghiệm giác quan. Kinh Girimānanda ghi như sau:
Thế nào là tưởng vô ngã? Ở đây, tỳ-khưu đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã; tai là vô ngã, các tiếng là vô ngã; mũi là vô ngã, các hương là vô ngã; lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã; thân là vô ngã, xúc là vô ngã; ý là vô ngã, các pháp là vô ngã. Sáu nội xứ và sáu ngoại xứ là vô ngã.” Như vậy vị ấy trú, quán vô ngã, trong sáu nội xứ và sáu ngoại xứ này.
Để bắt đầu, hành giả có thể mở mắt ra chỉ một chút và nhìn về một điểm nào đó trước mặt, không chú tâm nhìn một một điểm đặc biệt nào.
Tiếp theo, hành giả nhận thức đến cặp mắt, nhất là thị giác trong mắt, với sự hiểu biết rằng cơ sở vật lý cho khả năng nhìn thấy cũng là vô ngã. Nó là vô ngã trong ý nghĩa là không có cái gì thường hằng trong đó, không có cái gì thật sự và mãi mãi là của ta mà ta sở hữu. Kế đến, chuyển chú tâm từ cặp mắt đến cái gì được nhìn thấy. Bất cứ cái gì vào trong tầm mắt, nó chắc chắn cũng là vô ngã, nghĩa là không có cái gì thường hằng trong đó, không có cái gì thật sự và mãi mãi là của ta mà ta sở hữu.
Từ cặp mắt, bây giờ hành giả có thể khép mắt lại hoặc một chập sau, hành giả quay sang nhận thức đến đôi tai, cơ quan để nghe và chú ý đến những gì được nghe. Lý tưởng nhất là khi hành giả có thể đến nơi hẻo lánh, như đề nghị trong bài kinh, ở một khu rừng dưới cội cây hay trong một ngôi nhà trống. Ngay cả ở những nơi thanh vắng như thế, ta vẫn nghe tiếng động, sớm hay muộn. Vấn đề này rõ ràng hơn khi hành giả không thể thực hành tại một nơi hẻo lánh. Bằng cách chuyển “các náo động” thành một phần của công phu tu tập, việc hành thiền có thể có được một hiệu quả đáng kể. Bất cứ âm thanh nào ta nghe được cũng đều là vô ngã. Không cần phải quan tâm, suy luận về nó, cho đó là một sự xáo trộn của “tôi”, rồi trở nên khó chịu với nó.
Quy trình tương tự như thế áp dụng cho mũi và bất cứ mùi hương nào hành giả ngửi được, ngay cả khi nó có vẻ mơ hồ, khó nhận biết. Hành giả tiếp tục tương tự với lưỡi cùng với các vị nếm được. Trong buổi thiền, thông thường đó chỉ là vị nếm cơ bản của nước bọt trong miệng.
Cơ thể và những gì xúc chạm cung cấp các đối tượng dễ nhận thấy trong việc áp dụng phương cách quán vô ngã. Khi ngồi, một phần cơ thể chạm mặt đất, thêm vào đó còn có cảm nhận xúc chạm với y phục và các tọa cụ. Đôi khi cơn đau hiện ra vì ngồi thiền trong một thời gian dài mà không thay đổi vị thế. Bất kể nó là gì, cơ thể và vật xúc chạm cũng đều là vô ngã. Cuối cùng là đến tâm ý, sớm hay muộn rồi cũng đi lang thang. Ngay cả khi bị phân tâm vì các suy nghĩ hay những ảo tưởng nào đó, tất cả những gì cần thiết để thực hành là một thoáng mỉm cười và nhận thức rằng đây cũng là vô ngã và rồi đem tâm về thời khắc hiện tại.
Từ việc trau dồi nhận thức về vô ngã trong mỗi căn riêng lẻ, tiếp tục hành thiền để nhận thức toàn thể tập hợp sáu căn này là vô ngã và sáu trần hay sáu đối tượng tương ứng đều cùng chung đặc tính trống rỗng. Một dấu hiệu của việc thực hành đúng đắn là nhận diện được bản chất trống rỗng của mọi khía cạnh trải nghiệm, bên trong và bên ngoài, không có ngoại lệ.
Các chữ viết tắt:
AN | Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ) |
DN MĀ MN |
Dīgha Nikāya (Trường bộ) Madhyama Āgama (Trung A-hàm) Majjhima Nikāya (Trung bộ) |
SN | Saṃyutta Nikāya (Tương ưng bộ) |
Tags: thiền