Mười Pháp Quán Tưởng

Hướng Dẫn Hành Thiền

Dẫn nhập

     Trước tiên tôi (Bhikkhu Analayo) sẽ tóm tắt ngắn gọn một số điểm chính về phương cách đối diện với bệnh tật và cái chết. Sau đó, tôi sẽ trình bày cách tiếp cận thực tiễn về các hướng dẫn hành thiền mà Đức Phật đã dạy cho Trưởng lão Girimananda trong bài kinh số 60, chương Mười Pháp của Tăng chi bộ, tạng Pali (AN 10.60)

     Điểm quy chiếu cơ sở và nền tảng cho quan điểm của Phật giáo sơ kỳ về bệnh tật và cái chết là sự giảng dạy về Tứ Thánh Đế. Sự nhìn nhận chân thành về tham ái và chấp thủ là những nguyên nhân đưa đến hoạn khổ (dukkha) là nền tảng chuẩn đoán cần thiết để dùng trí tuệ Phật giáo như là liều thuốc chữa trị cho các trường hợp bị tác động bởi bệnh tật và cái chết. Kết hợp vào sự giảng dạy này là Bát chi Thánh đạo nhắm đến thực chứng toàn bộ sức khỏe tâm linh qua sự giác ngộ hoàn toàn. Mặc dù việc huân tập tâm trong Phật giáo sơ kỳ tạo ra nhiều điều kiện để chữa bệnh và chăm sóc xoa dịu cơn đau, mục đích tối hậu là giúp vượt xa hơn nữa, tiến đến mục tiêu cuối cùng là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

     Dựa trên điểm quy chiếu đó, sự phân biệt giữa những cơn đau về thân và về tâm cần phải được nhận thức rõ ràng. Bằng cách tránh các mũi tên đau đớn về tâm, tâm trí có thể được giữ khỏe mạnh ngay cả khi thân thể đau đớn. Giữ tâm khỏe mạnh đòi hỏi phải có tập luyện tâm, nhất là giữ Niệm, chi phần đầu tiên của bảy chi phần đưa đến giác ngộ (thất giác chi) và cũng là phẩm chất quan trọng được vun trồng qua công phu thực hành bốn pháp lập niệm (satipaṭṭhana). Qua các lời dạy của Đức Phật, tiềm năng của Niệm để đối mặt với các cơn đau và dẫn đến chữa lành luôn luôn được nhắc đến trong Phật giáo sơ kỳ. Thậm chí áp dụng cho những ai có khả năng nhập thiền, vốn có thể giúp đè nén các cơn đau, các vị ấy vẫn chọn cách đối diện cơn đau với chánh niệm.

     Bên cạnh yếu tố Niệm, một khía cạnh quan trọng khác trong Phật giáo sơ kỳ để đối diện bệnh tật và cái chết là sự nhấn mạnh liên tục về tâm không dính mắc, nhất là đối với năm uẩn và sáu căn giác quan. Ở đây, nền tảng cho sự không dính mắc này là tuệ quán về vô thường, về tính không có khả năng tạo hài lòng lâu dài của năm uẩn và sáu căn (khổ) và về kết luận rằng chúng là rỗng không (vô ngã). Trau dồi sự tự do sâu sắc thoát khỏi mọi ràng buộc đó được dựa trên nền tảng của giới hạnh, tự nó cung cấp nguồn lực về vô úy – không sợ hãi, khi hành giả bị bệnh hoặc tiến gần đến cái chết.

     Khi giúp hướng dẫn những người trong giây phút cận tử, việc tinh luyện dần dần các động lực nội tại để hướng đến hạnh phúc có thể được áp dụng để giúp người sắp chết ra đi với nội tâm an bình mà không còn các hình thức bám víu thô tháo. Trong giờ phút lâm chung, phương cách tốt nhất là giúp người ấy đem tâm an trú vào bốn nơi thiêng liêng (brahmavihāra – tứ phạm trú: từ, bi, hỷ, xả) để tiếp cận với trạng thái “thiên đàng trên trái đất” trong tâm.

     Không chỉ trong trường hợp bệnh tật mà còn khi đối mặt với cái chết, yếu tố Niệm rất có giá trị giúp người ấy giữ tâm cân bằng với các cảm thọ và chống lại khuynh hướng gây ra các phản ứng bất thiện trong tâm. Thực hành như thế, giờ phút lâm chung trở thành một cơ hội để phát sinh tuệ quán giải thoát. Bên cạnh giá trị hỗ trợ chúng ta đối diện với cái chết, Niệm còn có vai trò chuyển hóa các kinh nghiệm đau buồn. Để quán tưởng về cái chết của mình, niệm hơi thở có thể giúp ta hiểu biết rõ ràng rằng thật ra, một người chỉ sống đến hơi thở tiếp theo.

     Các phương cách đối diện bệnh tật và cái chết có thể tập hợp lại trong một khung hành thiền như Đức Phật đã dạy cho ngài Girimānanda, bao gồm tuệ quán về tính vô thường của năm thủ uẩn, tính vô ngã của sáu căn, bản chất bệnh hoạn của cơ thể, nhu cầu thanh lọc tâm, tâm trí thiện lành là mục đích tối hậu và các hướng dẫn chi tiết về niệm hơi thở. Thực hiện một chương trình hành thiền như đã giúp ngài Girimānanda phục hồi sức khỏe là một phương cách áp dụng những lời dạy trong kinh điển nguyên thủy về bệnh tật và cái chết vào công phu hành thiền của mỗi hành giả.

Các chữ viết tắt:

AN Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ)
DN

MN
Dīgha Nikāya (Trường bộ)
Madhyama Āgama (Trung A-hàm)
Majjhima Nikāya (Trung bộ)
SN Saṃyutta Nikāya (Tương ưng bộ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tags: